Trịnh Công Sơn – Nhạc Sĩ Được Mọi Người Việt Nam Biết Đến
Khi hỏi bất kì người Việt xa xứ nào một câu hỏi: Anh/chị có biết bài hát nào của Trịnh Công Sơn hay không, thì câu trả lời chắc chắn là “Có”.
Ở Việt Nam, những buổi biểu diễn và các hoạt động âm nhạc với chủ đề nhạc Trịnh được tổ chức gần như quanh năm. Nhạc Trịnh gần như trở thành một thể loại nhạc riêng biệt được mọi người, từ giới trẻ đến những người đứng tuổi yêu thích.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 và qua đời vào ngày 1/4/2011. Ông là một nhạc sĩ, người chơi nhạc, người viết lời, họa sĩ và một nhà thơ. Cùng với Phạm Duy và Văn Cao, Trịnh Công Sơn được coi là một trong ba cây đại thụ của nền âm nhạc hiện đại.
Trịnh Công Sơn dành 40 năm trong cuộc đời mình cho âm thanh và ngôn ngữ. Ông coi bài hát là một tác phẩm cần sự chặt chẽ, thống nhất và đầy đủ, là sự kết hợp mật thiết giữa thi ca và âm nhạc. Việc viết các ca khúc mới không chỉ để ông tâm sự niềm vui, nỗi buồn mà còn giúp ông mang đến tình yêu, lòng nhân ái và tính nhân văn cho bất kì ai sống quanh mình. Những bài hát của ông được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu quý vì những giai điệu đẹp và ca từ nhẹ nhàng như thơ nhưng đầy chất triết lí và suy ngẫm.
Hầu như tất cả các ca sĩ nổi tiếng của Việt nam đều ít nhất một lần hát nhạc của Trịnh Công Sơn. Và không chỉ các ca sĩ trong nước, nhiều ca sĩ nước ngoài cũng yêu quý và có những màn trình diễn nhạc Trịnh trong show diễn của mình như Tendo Yoshimi (Nhật Bản).
John C. Schafer, đại diện Mỹ từ Wisconsin – người đã dành một thời gian dài nghiên cứu văn hóa Việt Nam – nhận xét rằng Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ “được mọi người Việt Nam biết đến”.
Schafer cũng lưu ý rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn phản ánh triết lí của ông về Phật Giáo. Phật Giáo đến với ông qua nền tảng giáo dục và gia đình, sau đó thâm nhập sâu vào tâm hồn và âm nhạc ông thông qua những thăng trầm của cuộc sống. Đạo Phật, với Trịnh Công Sơn, là một luồng hơi thở triết học khiến con người thêm yêu cuộc sống và không quên cuộc sống.
Trịnh Công Sơn là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc của Việt Nam, người đã gây được sự chú ý và khiến cộng đồng quốc tế quan tâm. Báo chí thế giới đã xuất bản nhiều bài viết về cố nhạc sĩ tài hoa này cùng vị trí đặc biệt của ông trong nền âm nhạc Việt.
Tờ New York Times coi Trịnh Công Sơn là “trái tim” của những người Việt yêu nhạc. Bởi vì mặc dù thị hiếu âm nhạc của khu vực phía Bắc và phía Nam nước ta có những khác biệt nhất định, Trịnh Công Sơn và những bài hát của ông lại được yêu thích rộng rãi trong nhiều thập kỉ.
Hình ảnh của Trịnh Công Sơn – một người đàn ông gầy, ngồi với cây đàn guitar, chơi nhiệt tình đệm nhạc cho các ca sĩ biểu diễn trong khuôn viên của các trường đại học của miền Nam những năm 1960 khiến không ít người nhớ đến ca sĩ – nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ Bob Dylan. Trong thực tế, nhiều người Việt sinh sống cùng thời coi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan hay Joan Baez của Việt Nam.
Khi còn sống, Trịnh Công Sơn thường đến Mỹ và Canada để thăm bạn bè và người thân, nhưng ông không bao giờ có ý định định cư. Ông thậm chí còn hiếm khi biểu diễn ở nước ngoài, mặc dù có một lượng lớn người hâm mộ tha thiết yêu cầu. Tờ New York Times dẫn lời ông trong một cuộc phỏng vấn như thế này:
“Việt Nam là nơi duy nhất mà tôi có thể sống và sáng tác nhạc. Khi tôi đi du lịch ở nước ngoài, tôi không còn nghe tiếng nhạc vang lên trong đầu, tôi cũng không nghe thấy tiếng thơ của lời bài hát tôi viết. Tôi cũng muốn đi ra nước ngoài để quan sát , ngưỡng mộ và học hỏi, nhưng nếu tôi rời Việt Nam quá lâu, tôi sợ tôi sẽ bị héo úa mà chết. Với tôi, sự ấm áp của người Việt giống như nguồn nước thiết yếu mà một bông hoa cần để tồn tại vậy!”
Khi Trịnh Công Sơn qua đời vào ngày 01 tháng 4 năm 2001, BBC cho xuất bản một bài viết về ông. Hàng ngàn người đã có mặt tại tang lễ để tang Trịnh Công Sơn khi ông rời “cõi tạm”. Mười bốn năm sau khi cái chết của Trịnh Công Sơn, tình yêu của cả nước đối với âm nhạc và tài năng của ông không hề bị giảm bớt. Và đó là lí do tại sao chúng tôi gọi Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ “được mọi người Việt Nam biết đến”.
Theo The NewYork Times