Bé học khi nào biết đàn?

“Bé học khi nào biết đàn?”, “Con tôi học bao lâu biết đàn”, “Sao bé mình học đã 3 tháng rồi vẫn chưa đàn được bài “Fur Elise”/chưa đàn được bài dài”, …

Có lẽ các đồng nghiệp cũng theo nghiệp giáo dục âm nhạc sẽ đồng ý với tôi: Đây là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong quá trình giảng dạy 15 năm nay?

Neokid Evan le Than dong Piano

Thời gian đầu tiên, nó làm tôi khá bối rối để đưa ra một câu trả lời xác đáng. Thời gian nữa, tôi thấy hơi khó chịu khi nhận được câu hỏi dạng này. Nhưng tôi dần hiểu, âm nhạc là một môn vừa ngoại khóa vừa quá mới mẻ với phụ huynh và học sinh để có thể mường tượng được sẽ đi với nó bao lâu, sẽ đầu tư cho nó bao nhiêu công sức, tiền bạc và thời gian, như thế nào gọi là đạt yêu cầu do mình đặt ra,… Từ đó, câu trả lời chung nhất của tôi mà tôi thấy tạm hài lòng:

“Sau khoảng thời gian … bé sẽ có thể làm được…  và có thể tham gia các hoạt động… Nhanh hay chậm còn tùy vào mức độ tiếp thu và tập luyện của mỗi bé. Vì vậy nếu ba mẹ muốn bé học nhanh, cần cho con lịch tập thật đều đặn và tăng dần đều theo thời gian. Thời gian trung bình cho một cấp độ tại Neokid là khoảng 6 tháng, nhưng có bé học nhanh thì chỉ 2-3 tháng. Thầy cô sẽ dạy theo sức học của các con nên gia đình và bé cố gắng nỗ lực thì bé sẽ tiến rất nhanh. Trung bình với Piano thì khoảng 3 năm các con có thể đàn được kha khá các tác phẩm tương đối có độ dài.”

Học sinh Neokid biểu diễn đàn PianoCó những em học sinh tại Neokid chỉ học 4 năm nhảy lên cấp độ Advanced (cao nhất tại Neokid) và đạt Grade 8 ABRSM như em Riley Oliveiro, nhưng có em thì lại phải 6-8 năm hay thậm chí hơn, điều này tùy thuộc rất nhiều vào 3 nhân tố chính:

1. Năng khiếu, sự rèn luyện của bản thân

2. Sự hướng dẫn và nhiệt tâm của người giáo viên và nhà trường

3. Sự đồng hành, hỗ trợ của ba mẹ, gia đình

Tôi có thể khẳng định cả 3 nhân tố đều thiết yếu và không thể tách rời và có mối quan hệ tương hỗ để tạo ra được một đứa trẻ có thể phát triển hết tiềm năng và tài năng bản thân. Bản thân trải nghiệm cùng rất nhiều phương pháp giáo dục âm nhạc quốc tế như Yamaha, Kindermusik, Carl Orff, Kawai, Harmony Road,… Tất cả có điểm chung đều nhấn mạnh tầm quan trọng và tính chất  bắt buộc phải có phụ huynh tham gia tích cực đặc biệt khi trẻ ở độ tuổi < 8t – khi trẻ chưa có ý thức tự chủ và cũng là giai đoạn quan trọng nhất hình thành những thói quen cũng như nhân cách đầu đời. Cha mẹ không nên nói trẻ lười khi việc tập luyện của trẻ tại nhà là do cha mẹ rèn luyện cho con một thói quen tốt và tập lập thời khóa biểu. Giáo viên sẽ có thể tham vấn cho ba mẹ một lộ trình về giờ tập hợp lý và tăng dần thế nào để trẻ không nản (tôi sẽ viết chi tiết hơn trong bài viết về Thời gian và cách thức tập luyện âm nhạc hiệu quả).

Bản thân trẻ khi có nề nếp tập luyện và được ghi nhận, tán thưởng sẽ luôn có động lực bản thân để cố gắng và chăm chỉ hơn sau từng ngày. Mối quan hệ giữa 3 phía cần chặt chẽ để trẻ nhận được kết quả mỹ mãn sau quá trình học âm nhạc của mình. Rất nhiều cha mẹ thắc mắc rằng mình không hiểu gì để có thể hướng dẫn và theo dõi con ở nhà, đó có phải là lúc ba mẹ nên tham vấn giáo viên phụ trách nhiều hơn hoặc thậm chí học một khóa ngắn hạn để hiểu được thực tế các con mình cần gì thì sẽ phát triển tốt nhất? Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của người thầy đối với trẻ, lựa chọn một người thầy âm nhạc cho con rất quan trọng vì người đó có thể sẽ đi theo con 5 năm, 10 năm hay thậm chí hơn. Đó sẽ là một người có tầm ảnh hưởng đến nhân cách và nhân sinh quan, chứ không phải chỉ là kỹ năng chơi nhạc. Vì vậy, việc phối hợp cùng thầy cô rất quan trọng để ba mẹ và thầy cô – nhà trường hiểu nhau và cùng tạo ra lực đẩy cho trẻ tiến lên.

Neokid music education trường nhạc Neokid trẻ em 4 tuổi trở lên

Mục tiêu quan trọng nhất của quá trình giáo dục âm nhạc nên là một Nền Tảng Vững Chắc và Sự Yêu Thích của trẻ. Hãy đừng vội thúc hối Giáo viên phải gò ép trẻ đàn những tác phẩm mà ba mẹ biết như “Fur Elise”, “Sonate Ánh Trăng” hay “Marriage D’amour” – điều này cũng độc hại như việc chúng ta và con trẻ sẽ ăn loại quả sớm có được do sự bón thúc và thuốc tăng trưởng và tác hại này sẽ theo con trẻ mãi về sau. Ba mẹ có thể liên hệ một bài viết chi tiết hơn về quan điểm này “7 bước cơ bản nhập môn học đàn Piano cho trẻ.

Tại Neokid, tôi cũng có những dịp nói chuyện với các anh chị phụ huynh và nghe họ chia sẻ về quan điểm dạy con và định hướng cho con trẻ. Có ba mẹ thì tập trung cho con vào một môn và đạt kết quả rất mỹ mãn với quá trình học tập của trẻ như: Lê Uyên Nhi (cô bé sắp trở thành Giáo viên của Neokid sau hơn 12 năm gắn bó), Riley Anh Oliveiro (12t), Nguyễn Võ Liên Châu (12t), Đinh Trương Bảo Trân (13t) – Cả 4 em đều đang ở cấp độ Grade 8 ABRSM và còn đang dấn thân vào những môn học khác như Drum, Vocal,… Hay đơn cử 2 anh em sinh đôi Nam Khánh và Huy Khánh, ba mẹ có ý nghĩ cho con trải nghiệm tất tần tật bộ môn ngoại khóa từ thể thao đến nghệ thuật đến kỹ năng sống mà mọi người hay gọi đùa là 2 anh em toàn tài. Chỉ riêng mảng âm nhạc, ba mẹ cho các con học hầu hết các môn tại Neokid như: Organ, Piano, Drum, Guitar, Vocal, cả luyện thi ABRSM Theory và Practical. Các em học nhiều không phải vì trở thành dân chuyên nghiệp hay nghệ sỹ nổi tiếng gì mà vì ba mẹ muốn các con được nhiều trải nghiệm và cánh cửa lựa chọn được rộng mở. Lịch trình kín mít, dày đặc nhưng bọn trẻ vẫn khỏe mạnh, hoạt bát và học giỏi đến lạ thường(?!!) Xin phép chia sẻ trang facebook của phụ huynh 2 bé để quý phụ huynh quan tâm có thể theo dõi và bàn luận cho các con mình – Facebook “hot dad” anh Đức Võ – Ba của 2 anh cặp sinh đôi ngộ nghĩnh “cừ khôi” tại Neokid

Học sinh Neokid trường nhạc học nhạc Nam Khánh Huy Khánh

Căn phòng đầy ắp “âm nhạc”của 2 anh em Khánh nào Piano, Organ, Trống, Guitar,…

Tựu chung lại, những đứa trẻ thành công luôn cần có ba mẹ – gia đình và thầy cô – nhà trường sát cánh, đồng hành để dạy các con cách tư duy, sắp xếp và khích lệ, chỉ dẫn. Từ đó, khi trẻ đã đủ nền tảng và sự tự tin, con sẽ chắp cánh bay vào bầu trời mơ ước của mình. Nếu ba mẹ cho rằng mình quá bận và phó mặc hết cho trẻ và nhà trường, thế “chân vạc” sẽ mất hẳn và chỉ còn là sự chông chênh. Vì vậy bằng mọi cách, ba mẹ nên hiểu những gì cho con học và luôn là người hợp lực cùng thầy cô để tạo bệ phóng tốt nhất cho con. Khi đã có nền tảng tốt và niềm yêu thích, thì dù có bao nhiêu loại nhạc cụ hay môn học, trẻ sẽ có thể thực hiện được không quá khó khăn – và điều này chỉ có thể được tạo ra bởi mối quan hệ khắng khít này.

Học sinh Neokid Riley Oliveiro Piano ABRSM Grade 8

Khái niệm “biết đàn” rất mơ hồ vì mỗi phụ huynh cũng như học viên sẽ có một mục tiêu và mục đích khác nhau khi học. Nhưng chung nhất, tôi muốn khẳng định một điều không bao giờ có con đường tắt chỉ vài buổi, vài tháng người học có thể đạt tới được cảnh giới “lấp lánh” như rất nhiều mẫu quảng cáo giăng khắp nơi. Một người đi theo chuyên nghiệp, họ tốn khoảng 4-9 năm cho Trung Cấp, 4 năm cho Đại học, 2-3 năm cho Thạc Sỹ và cả một đời để rèn luyện và học tập. Do đó, sẽ không bao giờ có một khóa học 3 tháng con thành tài hay dạng 8 buổi cơ bản – 8 buổi nâng cao như “phép màu” từ các chương trình online và cũng không phải trung tâm âm nhạc nào cũng đủ trình độ Luyện thi Nhạc viện hay các chứng chỉ âm nhạc Quốc tế,… Ba mẹ hãy mong muốn các con được vui thích và yêu âm nhạc, yêu trường – yêu thầy cô, hãy mong muốn các con có nền tảng vững chắc (dù chỉ là môn giải trí, ngoại khóa), hãy mong muốn các con được nuôi dưỡng theo một phương pháp và môi trường đúng đắn để con phát triển được tiềm năng cũng như những kỹ năng xã hội. Vì vậy, lời khuyên là phụ huynh, gia đình nên quan tâm hỏi giáo viên, nhà trường hoặc những phụ huynh có con học xuất sắc lâu năm để tham vấn thêm về những kinh nghiệm và lựa chọn con đường phù hợp nhất khi cho con đeo đuổi con đường âm nhạc nghệ thuật. Dù biết bận trăm công ngàn việc với quá nhiều cuộc chạy đua hàng ngày, nhưng ba mẹ hãy mong 3-5 năm sau ngồi lắng nghe con mình tấu những khúc nhạc du dương mà mình thích, mà con thích để cả nhà cũng hưởng được niềm vui trọn vẹn từ âm nhạc.

——————————————————–

Hiểu được thời đại đang có quá nhiều thay đổi, hàng ngày trên mặt báo biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt, khóc không nên lời với nhiều tin hot giựt tít về nền giáo dục với quá nhiều luồng tư tưởng cũ mới, Tây Ta pha trộn,… Tôi biết tiếng nói mình còn rất nhỏ nhoi, nhưng cũng vẫn là một người đã yêu nghề tha thiết và được nghề yêu thương chọn bao nhiêu đó năm. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng viết và giải thích đến khi bản thân thấy tất cả những người xung quanh: đồng nghiệp, cộng sự, nhân viên, phụ huynh học sinh,… đồng cảm và hiểu lý tưởng và triết lý tôi và các đồng sự  đã và đang theo đuổi và lao động không mệt mỏi.

Ky Anh Pham (KAP) – Head Master

Neokid – Music & Arts School

Neokid Head Master Phạm Kỳ Anh Giáo viên Neokid

 

Nội dung liên quan

 

Gửi phản hồi