6 bước để chơi piano nhạc nhẹ

Nhạc nhẹ (Popular music) hay còn thường được gọi là Âm nhạc Đại chúng là một trường phái âm nhạc có khả năng cuốn hút rất lớn và nó được truyền tải đến khán giả thông qua ngành Công nghiệp Âm nhạc.

 

Những bản nhạc, ca khúc của Nhạc nhẹ thường được viết với những giai điệu dễ hát, cấu trúc của chúng đa số được viết ở hình thức đoạn đơn. Thông thường một bản nhạc nhẹ có thể bao gồm phần lời (Verse) và điệp khúc (Chorus) được nhắc lại nhiều lần trong bản nhạc, cùng với các đoạn cầu nối (Bridge) nhằm tạo sự liên kết xuyên suốt cho cả bài.

 

Để chơi được các bản piano nhạc nhẹ, dù là đệm hát (Comping) hay đàn solo (Piano cover), các bạn sẽ cần trải qua 6 bước chính. Hôm nay, thầy Long sẽ giúp bạn tổng kết lại 6 bước chính của quá trình này nhé!

 

Bước 1: Lắng nghe.

Đầu tiên, bạn cần phải lắng nghe bản nhạc thật nhiều lần. Bạn có thể nghe bản gốc, hoặc có thể nghe một bản nhạc đã được cover lại bởi những nghệ sĩ khác. Hãy lắng nghe thật kỹ và ghi nhớ cấu trúc của bài piano nhạc nhẹ gồm có những phần nào và được sắp xếp theo thứ tự như thế nào. Hãy cố gắng ghi nhớ phần giai điệu của bản nhạc và tìm ra những chi tiết độc đáo, “đắt giá” của bản nhạc để có thể tái hiện lại trong phần trình bày của mình.

 

Bước 2: Sắp xếp lại cấu trúc (Song Structure).

Sau khi đã lắng nghe và nắm rõ các phần của bản piano nhạc nhẹ mà bạn muốn chơi, hãy sắp xếp lại cấu trúc của bản nhạc theo ý thích của mình. Bạn hoàn toàn có thể chơi theo cấu trúc của bản nhạc mà bạn đã nghe, hoặc bạn có thể thêm hoặc bớt những phần mà bạn thích vào trong phần trình bày của mình.
Chẳng hạn, bản nhạc của bạn có cấu trúc như sau:

Intro → Verse → Chorus → Verse → Chorus → Bridge → Chorus → Chorus →  Outro.

Bạn có thể rút ngắn lại thành cấu trúc sau:

Intro → Verse → Chorus → Bridge → Chorus → Outro.

 

Bước 3: Chọn giọng (Tone).

Ở bước này, bạn cần phải có một chút kiến thức nhạc lý để có thể thực hiện được.

 

Nếu bạn muốn chơi đệm hát bản pinao nhạc nhẹ của mình, hãy chọn giọng sao cho ca sĩ có thể hát được hay nhất. Vì nếu bạn chọn một giọng dễ chơi đệm nhưng lại không phù hợp với âm khu của ca sĩ thì bản nhạc của bạn chắc chắn sẽ không thể hay được.

 

Nếu bạn muốn cover lại bản nhạc, bạn có thể lựa chọn giọng theo ý thích và theo khả năng chơi piano của mình. Chẳng hạn nếu như giọng gốc của bản nhạc là G major, nhưng bạn có khả năng chơi đàn tốt thì hoàn toàn có thể dịch sang các giọng như Eb major hoặc A major để nghe hay hơn. Hoặc nếu bản nhạc được viết ở giọng F minor nhưng bạn không thể chơi ở giọng này vì quá nhiều dấu hóa, bạn có thể dịch sang giọng D minor hoặc E minor để có thể chơi được bản piano nhạc nhẹ trôi chảy hơn.

 

Bước 4: Tìm diễn tiến hợp âm (Chord Progression).

Sau khi đã chọn được giọng và có cấu trúc các đoạn trong bản nhạc, bạn hãy tìm hợp âm theo giọng mà mình chơi và viết ra theo cấu trúc mà mình muốn. Một bản piano nhạc nhẹ có thể có rất nhiều phiên bản hợp âm khác nhau, vì vậy việc tìm ra và thử nghiệm xem phiên bản hợp âm nào hay cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian kha khá đấy. Hoặc nếu bạn có đủ khả năng, bạn có thể tự đặt hợp âm theo ý thích của mình, như vậy bạn sẽ có một bản đệm hát hoặc cover hoàn toàn không hề “đụng hàng” với bất cứ ai khác.

 

Phần này tuy khó, nhưng hãy làm một cách kỹ lưỡng, vì một phiên bản hợp âm hay hoàn toàn có khả năng giúp cho phần thể hiện của bạn “lột xác” một cách bất ngờ đó!

 

Bước 5: Chọn thể loại nhạc.

Một trong những điều tuyệt vời nhất khi bạn chơi piano nhạc nhẹ, đó chính là bạn có thể tùy biến tác phẩm theo ý thích của mình. Giả sử bản nhạc mà bạn đang chơi được viết ở thể loại Ballad nhẹ nhàng và chậm rãi, nhưng nếu bạn muốn thêm sắc màu trẻ trung và năng động hơn cho tác phẩm, bạn có thể chuyển tác phẩm sang R&B hoặc Rock tùy theo sở thích của cá nhân mình. Hãy thử tập đệm qua một đoạn hợp âm của bài theo nhiều phong cách khác nhau để chọn ra được phong cách riêng biệt và đúng ý của mình nhé.

 

Bước 6: Tập, tập nữa, tập mãi!

Sau khi đã chuẩn bị các bước ở trên, tới đây bạn đã có thể bắt đầu tập luyện bản piano nhạc nhẹ mà mình thích rồi đấy. Dù bạn muốn đệm hát hay cover, thầy Long khuyên bạn hãy bắt đầu bằng việc đệm qua diễn tiến hợp âm của bài theo giọng, cấu trúc và phong cách mà mình đã chọn trước tiên. Sau khi đã có được cảm giác đúng theo ý mình, hãy bắt đầu thêm các phần mà mình thích vào để phần đệm của bạn thêm phong phú, hoặc thêm giai điệu (melody) bằng tay phải và rút gọn phần đệm của mình lại để có một bản cover thật tuyệt vời và “có 1 không 2” của chính mình nhé.

 

Vậy là với 6 bước này, bạn đã có thể có một bản đệm hát hoặc piano cover của tác phẩm mà mình yêu thích rồi. NeoPop chúc bạn thành công với trên con đường học piano nhạc nhẹ của mình nhé!

 

#NeoPop #Neokid #DemDan #DemHat #NhacNhe #Piano #Cover #PianoCover #Comping #PianoSolo

Tác giả: Thầy Phạm Kim Long – Quản Lý Chuyên Môn Neokid & NeoPop

 

Nội dung liên quan

 

Gửi phản hồi