Âm Nhạc Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Cảm Xúc Của Thanh Thiếu Niên?

Những tranh cãi nhỏ xảy ra vì bất đồng “gu” nhạc giữa cha mẹ và con cái không phải là điều quá xa lạ trong các gia đình hiện đại. Thị hiếu âm nhạc của các thế hệ thường có sự khác biệt rất rõ ràng. Nếu như cha mẹ thích nghe các dòng nhạc cổ điển, dân gian, trữ tình thì thanh thiếu niên lại thường có xu hướng nghe những dòng nhạc sôi động như Dance, Punk, Rock, thậm chí là Rap và Hiphop.

cam-xuc-am-nhac-thanh-thieu-nien-1

Dù vậy âm nhạc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của tất cả mọi người, dù họ thích nghe loại nhạc nào. Đặc biệt, với trẻ tuổi teen, âm nhạc là yếu tố giúp các bé xác định, trải nghiệm và thể hiện cảm xúc của mình.

Xác định cái tôi cá nhân

Âm nhạc gợi về những cảm xúc, những ý nghĩa nhất định để thanh thiếu niên xác định cái tôi cá nhân của mình. Trong âm nhạc, với sự kết hợp giữa giai điệu với ca từ, trẻ có thể đồng cảm cùng những cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, buồn bã… và thậm chí là các vấn đề nghiêm túc như chính trị, nhân đạo và xã hội. Đối với những thanh thiếu niên đang dậy thì, hoặc những bé gặp vấn đề giới tính, định hướng, bị cô đơn hay trầm cảm, thì những cảm xúc âm nhạc này đóng vai trò cực kì to lớn. Điều này đặc biệt đúng đối với một bé không thể thảo luận những vấn đề và cảm xúc này với gia đình, bạn bè hay những người mà bé gặp. Với âm nhạc, trẻ có thể tìm thấy sự đồng cảm và cảm thấy bớt cô đơn hơn. Trẻ có thể dùng âm nhạc như một công cụ để điều chỉnh cảm xúc, củng cố và duy trì những cảm xúc tích cực cũng như thổi bớt đi những cảm xúc tiêu cực.

Khiến trẻ cảm thấy phấn chấn

Khi trẻ thực hiện những hoạt động liên quan đến âm nhạc, dù với vai trò người nghe, người sáng tác hay người tham gia biểu diễn – đều khiến trẻ hào hứng. Những ca sĩ kiêm nhạc sĩ thường viết lời nhạc như một cách để lên tinh thần. Trong một bài báo của thời báo St. Petersburg, Amy Lee, một thành viên của ban nhạc Evanescence mô tả âm nhạc như liệu pháp trị liệu của mình. Bất cứ khi nào trẻ nghe, viết hoặc chơi nhạc, cảm giác hưng phấn sẽ trở thành những trải nghiệm quý giá giúp trẻ giải quyết phần nào các vấn đề về cảm xúc của riêng mình.

Giúp trẻ thể hiện bản thân

Theo một báo cáo trên tạp chí “Nghiên cứu và Trị liệu hành vi” xuất bản tháng 11 năm 2004, kiềm chế cảm xúc làm tăng ảnh hưởng của các cảm xúc tiêu cực. Tự dồn nén hoặc kiềm chế cảm xúc thường xuyên không tốt cho sức khỏe của bé, và âm nhạc là một giải pháp cho vấn đề này. Thông qua việc nghe hoặc chơi một loại nhạc cụ nào đó, trẻ em có thể giải tỏa cảm xúc, nói ra  những điều mình muốn và bày tỏ thái độ với những vấn đề mà mình quan tâm. Trẻ em tuổi teen, đặc biệt là những bé có khả năng viết hay chơi nhạc, thường có khả năng tự thể hiện bản thân theo một cách vô cùng trực tiếp và ấn tượng.

Đem đến sự hỗ trợ và các mối quan hệ xã hội

Lắng nghe một hay nhiều thể loại nhạc tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào một nhóm hoặc kết bạn với những người có cùng sở thích. Việc chia sẻ tình yêu âm nhạc mang lại những tình bạn có nền tảng là một sở thích chung. Những tình bạn như vậy mang lại rất nhiều lợi ích về cảm xúc và sẽ dễ phát triển nếu biết giữ đúng cách.

15641417476_09cd92c8b8_z

Việc chia sẻ tình yêu âm nhạc mang lại những tình bạn bền vững

Âm nhạc có ảnh hưởng rất quan trọng lên thanh thiếu niên – lứa tuổi nhạy cảm và thường bị cảm xúc chi phối. Một trong những cách để định hướng đúng đắn cho trẻ trong âm nhạc là để bé tham gia các lớp học nhạc cụ. Một khi đã có kiến thức âm nhạc, trẻ sẽ có thể tự lựa chọn loại nhạc phù hợp và điều chỉnh cảm xúc của mình một cách phù hợp.

 

Nội dung liên quan

 

Gửi phản hồi