6 Điều Cần Thiết Cho Một Buổi Học Nhạc Vui Nhộn Và Hiệu Quả

Âm nhạc đối với trẻ em là một thế giới kỳ diệu đầy màu sắc. Các bé ngay từ nhỏ đã sớm tiếp xúc với âm nhạc qua tiếng ru à ơi của mẹ, qua tiếng hát của bà. Vì vậy, có thể nói âm nhạc chính là nguồn vui của hầu hết các trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tại sao phần lớn các em lại thường mất hứng thú sau khoảng 6 tháng học nhạc? Khi nghiên cứu về vấn đề này, Olesya MacNeil, giám đốc điều hành của trường nhạc Music Teacher LA, đã gợi ý những yếu tố chính giúp trẻ hứng thú trong các buổi học nhạc.

18152484192_c6d1e446a0_k (1)

Trải nghiệm trực tiếp với giáo viên

Hiện nay hình thức học nhạc qua mạng internet đang rất phổ biến. Tuy nhiên đối với các bé nhỏ, học online không phải là một đề xuất hay. Điều này là do khi học online, trẻ sẽ không có cơ hội được giáo viên hướng dẫn, làm mẫu trực tiếp. Việc học qua internet đồng nghĩa với việc tương tác giữa học sinh và giáo viên bị hạn chế. Mặt khác, khi tiếp xúc trực tiếp với giáo viên, trẻ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi học cách cầm, vận hành nhạc cụ, được góp ý, sửa lỗi về kĩ thuật và giai điệu cũng như có cơ hội biểu diễn cùng giáo viên.

Nhiệt huyết và óc sáng tạo của giáo viên

Phần lớn các trẻ hiện nay bắt đầu nhạc từ 3 đến 5 tuổi. Các bé ở lứa tuổi này thường có tính tò mò cũng như trí tưởng tượng rất phong phú, đa dạng. Với tâm hồn trong sáng và hồn nhiên của mình, các bé tiếp thu tốt nhất khi được hoạt động – nhảy múa. Giáo viên dạy nhạc phải sáng tạo trong việc xây dựng giáo án và áp dụng các hoạt động liên quan tới âm nhạc trong suốt buổi học để kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của các bé. Một khi trẻ đã thực sự thích thú với âm nhạc, bé sẽ có thể chơi nhạc cụ ở những cấp độ khó và nâng cao hơn.

Trình độ chuyên môn của giáo viên

Giáo viên dạy nhạc được đào tạo bài bản và chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc thường rất được tín nhiệm vì họ đã dành ra nhiều năm học cách dạy, hướng dẫn cũng như nắm bắt tâm lý học sinh. Một vài giáo viên thậm chí còn đầu tư vào học các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy như Suzuki, Kodaly hay Orff. Những phương pháp này sẽ giúp giáo viên có các nhìn xuyên suốt hơn về cách thức giảng dạy và tiếp cận học sinh.

Tài năng giảng dạy của giáo viên

Dạy nhạc và chơi nhạc là hai kĩ năng hoàn toàn khác biệt nhau, và không phải nhạc công nào cũng có thể trở thành giáo viên dạy nhạc. Để làm một giáo viên nhạc tốt, bên cạnh óc sáng tạo và tưởng tượng, người nhạc công cần học các kĩ năng giảng dạy để giải thích, hướng dẫn, trình bày . Kiến thức về nhạc cụ là rất quan trọng, song biết cách dạy và giải thích là một trong những điều kiện tối cao mà một người cần đó để trở thành giáo viên nhạc giỏi.

Các yếu tố tác động từ bên ngoài

Ở nhà, có vô số những thứ có thể làm sao nhãng việc học nhạc của bé như TV, máy vi tính, điện thoại di động hay video games. Chính cha mẹ cũng có thể là nhân tố làm gián đoạn việc học của con qua những hành động tưởng chừng như vô hại như: vào lớp học để coi xem bé có hiểu bài không, hay bé có cần ăn uống gì không. Những hành động này không chỉ làm gián đoạn quá trình học tập, mà còn làm rối mạch cảm xúc giữa học sinh và giáo viên.

9935506475_f16ebb2c1e_k

Sự hỗ trợ từ ba mẹ

Ngoài giờ học, trẻ rất cần sự hố trợ, động viên từ cha mẹ để có động lực luyện tập. Khi trẻ bắt đầu học nhạc, lịch sinh hoạt của bé ít nhiều sẽ bị xáo trộn, và do đó khiến bé cảm thấy khó làm quen với việc học và tập luyện. Vì vậy ba mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ, động viên bé ngoài giờ học. Một vài phụ huynh coi việc giám sát luyện tập là trách nhiệm của giáo viên. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cách duy nhất để trẻ ghi nhớ bài giảng và tiến bộ là luyện tập thêm ngoài giờ học. Cha mẹ chính là những người truyền nhiệt huyết và cảm hứng, giúp con thích nghi với lịch luyện tập. Đồng thời các bậc phụ huynh cũng là người sử dụng óc sáng tạo của mình làm cho các các buổi luyện tập trở nên thú vị, lôi cuốn và hấp dẫn hơn đối với các em nhỏ.

 

Nội dung liên quan

 

Gửi phản hồi